Hai bà mẹ: một người sanh ra tôi và một người sanh ra phu quân của tôi. Cả hai tôi đều thương yêu vô vàn. Vừa rồi tôi mới nghe qua trên đài phát thanh là tháng 11 hàng năm là National Gratitude Month (tạm dịch là tháng của cả nước Mỹ tỏ lòng biết ơn). Bốn tháng nay, ngày nào tôi cũng viết trên Facebook và nhiều lúc trên trang mạng riêng của mình những lời tạ ơn dù lớn hay nhỏ. Cho dù ngày đó không như ý muốn, tôi cũng luôn tìm cách nhìn phía tích cực của nó để viết lên lời tạ ơn.
Mẹ sanh tôi ra tôi gọi bà bằng Má, còn mẹ chồng của tôi thì gọi bằng Mom. Hai bà mẹ ở hai chân trời xa tít mù khơi, chưa bao giờ có dịp gặp mặt và có lẽ sẽ không bao giờ có dịp. Má tôi năm nay đã được 76 tuổi, còn Mom tháng sau sẽ được 85 tuổi. Hai bà cách nhau gần một con giáp, nhưng hai người khác nhau một trời một vực. Má tôi lúc nào cũng phải sống bên cạnh người làm hoặc con cháu, còn Mom từ ngày chồng của bà mất, cách nay hơn mười năm, bà thích sống tự lập một mình.
Tôi xa Má lúc mới tròn 15 tuổi. Lúc mới lớn khôn bên xứ Hoa Kỳ tôi rất thèm có Má ở bên cạnh để an ủi lúc tôi buồn. Mười lăm năm sau khi sống ở nước Mỹ tôi mới có công ăn việc làm vững chắc rồi sau đó tôi làm giấy bảo lãnh cho cả gia đình. Lúc bấy giờ ba gia đình chị em tôi chịu cho tôi làm giấy bảo lãnh nhưng bao tôi không chịu đi bởi vì gần hết tất cả các em 10 người cùng gia đình đã bỏ ông bà nội ra đi vượt biên. Tuy ông bà nay đã mất từ hơn hai thập niên qua, ba tôi nói ba có bổn phận phải ở lại trông mồ mả của ông bà. Thế là ba không chịu đi định cư sang Hoa Kỳ và má tôi nói má phải ở lại với ba. Sau mười năm chờ đợi dài đăng đẳng, giấy tờ bảo lãnh cũng lần lược về. Ba tôi buồn rầu mất ăn mất ngủ vì phải xa cách các con. Vì hiếu thảo chị và các em tôi không một ai chịu đi… Lúc đó tôi buồn rời rợt vì tôi sẽ không bao giờ được đoàn tụ gia đình.
Biết trách ai đây? Có trách là trách cho một đất nước Việt Nam vì chiến tranh, đói khổ mới có cảnh cha mẹ con cái cách biệt trùng trùng…
Sau ngày ba tôi mất rồi má tôi lại không nở bỏ ba ra đi. Thế là tôi không có cách nào hơn là phải thường xuyên về thăm má cho phải đạo làm con.
Vào tối thứ Tư, 10 tây tháng 10 vừa qua, tôi có gọi điện thoại về thăm nhà ở Việt Nam và nói chuyện với em và má. Qua bức màn nhỏ trên cái điện thoại, tôi nhìn thấy má tôi ngồi đó trên chiếc ghế lắc lư trong cái phòng ngủ mới vừa tân trang lại từ căn phòng ăn vì hai đôi chân của má tôi không có thể leo lên lầu vào phong ngủ được nữa vì bị bệnh phong thấp nay khá trầm trong. Tôi báo tin cho má biết rằng tôi đã sắp xếp công việc và thời gian được để về lại quê hương thăm má vào dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Ngay lúc đó má tôi vui mừng khôn xiết! Má cười cười nói nói miên man. Má hỏi, “Con có rủ mấy anh con về không?” Tôi cười và đáp rằng tôi sẽ hỏi các anh sau. Má nói tiếp: “Má già rồi. Sắp được 80 tuổi. Tụi con cố gắng về thường xuyên vì không biết ngày nào má sẽ ra đi mãi mãi.” Nghe tới đây tôi bỗng dưng cảm thấy nghẹn ngào. Thế nên tôi bắt qua chuyện khác. Tôi hỏi má, “Mấy chai dầu nóng con mới gởi cho má vừa rồi má có thích không?” “ Má thích lắm. Má có cho chị con, bé Quỳnh và bà con mấy chai.” Má tôi là vậy đó, lúc nào cũng biết chia sẻ những gì mình dang có.
Nói chuyện một hồi má tôi nhắc lại chuyện xưa. Má nói: “Hồi đó sau khi các con ra đi vượt biên, má nhớ các con nên khóc hoài.” Tôi hỏi lại: “Má có thấy ba khóc không?” “Má không thấy nhưng ba của tụi con cũng buồn nhiều lắm!” Trong ánh mắt của má bỗng dưng ứa ra mấy hạt châu với một nét buồn thương nhớ người bạn đời nay đã âm dương cách biệt vừa ngoài hai năm. Nói thêm một chút nữa, tôi xin phép má tạm ngừng dây điện thoại và hẹn gặp lại vài tháng nữa.
Hôm nay viết đôi dòng về má, tôi chợt nhớ lại hơn hai năm trước tôi có viết một lá thư dài dùm má để gởi cho ba tôi:
Sài Gòn, Ngày 5 tháng 8, 2016
Ông Năm ơi,
Ông mất nay đã đúng một tháng rồi mà tôi cứ ngỡ rằng ông vẫn còn ở đâu đây với mẹ con tôi. Ngày đám tang của ông có cả hàng trăm người đến dự, nào là tiếng kèn, tiếng đàn, nào là tiếng nói suốt cả tuần lễ. Từ ngày ông mất tới ngày đem ông ra chôn, tôi không hề nhỏ một giọt nước mắt. Con cháu trách móc tôi vì sao mà lạnh như tiền nhưng tụi nó nào biết là tôi không tin ông đã ra đi. Tôi không tin ông lại nỡ bỏ tôi sau bao nhiêu năm sóng gió có bên nhau!
Năm mươi năm bên nhau là năm mươi năm kỷ niệm. Suốt quãng đời còn lại tôi không thể viết ra hết. Hồi còn con gái có biết bao người theo tôi nhưng tôi chỉ yêu thích chỉ một mình ông. Ông vừa đẹp trai tuấn tú và lại hiền lành. Ông biết làm vui lòng ba mẹ tôi bằng cách tới nhà phụ chặt củi và trông nom vườn tược.
Mười năm ở Đà Nẵng, ông ở trong quân y, còn tôi cặm cụi chăm sóc cả đàn con và buôn bán. Trời thương cho tôi có khiếu nấu ăn, khách nào tới ăn rồi đôi lúc lại muốn mua đem về. Sau khi buôn bán thức ăn, tôi mở quán cà phê mang tên Phượng, tên của con gái của chúng mình (Phuong là tên gọi trong nhà của Như Ý). Gia đình của mình lúc đó rất khấm khá nhưng sau năm 1975, chúng ta đã mất hết tất cả để chạy về miền nam.
Xưa nay ông không hề biết cầm cây cuốc hay trồng một nhánh lúa vậy mà thời thế đã bắt ông phải vất vả suốt cả ngày trên mảnh đồng xơ xác với cái nắng cháy cả người như than. Trong vòng năm năm làm ruộng ông đen và già nua ra. Thấy ông vậy tôi thương ông quá! Tôi thương cho hoàn cảnh éo le của gia đình mình.
Vào thập niên 80, mọi người xôm xao đi vượt biên, thấy thế mình đã cắt từng đoạn ruột để cho ba đứa con ra đi trong thập tử nhất sinh! Vinh quang mình cũng có nhau, nghèo nàn mình cũng có nhau và chia lìa mình cũng có nhau.
Bây giờ tuổi của chúng mình đã về chiều, tôi không mong gì hơn là được ở bên cạnh ông hằng ngày. Sáng sớm thức dậy nhìn thấy ông tưới cây ở ngoài vườn là tôi thấy vui lắm rồi. Nhưng mấy sáng nay tôi trông ngóng ở ngoài vườn để tìm kiếm hình dáng thân thương, tôi tìm hoài mà hình bóng ấy đã tan biến đâu rồi! Tôi buồn tê tái, đau đớn đến tận trời cao. Có ai hiểu được cái đau mất bạn đời này không? Tôi muốn gào thét lên Trời cao để hỏi vì sao lại nỡ cướp đi người bạn đời của tôi?!
Hiện nay tôi như một người mất hồn. Tôi không còn có thú vui gì cả. Tôi muốn chết đi để có thể được ở bên ông mãi mãi. Tôi không ngờ bao nhiêu năm học Phật pháp, sống chết là định luật bình thường, vậy mà tôi lại quên hết lời dạy của Phật rồi sao? Thấy tôi buồn rầu suốt ngày, các con cháu đều lo lắng cho tôi. Ông nói đi tôi phải làm sao để sống vui, sống khỏe đây? Tôi không muốn làm một gánh nặng cho con cháu! Trước sau gì chúng ta cũng sẽ gặp lại nhau. Vậy ông hãy phù hộ cho tôi có nghị lực để sống nhe ông. Tôi thành thật cảm ơn ông.
Thương và nhớ,
Huỳnh Thị Cúc
***
Đã ngoài hai năm qua từ ngày ba tôi mất, má tôi không còn đau buồn nhiều nữa. Chắc ba tôi đã nhận được tâm thư của tôi gửi cho ba. Ngày xưa trăm chuyện ba tôi phải duyệt lại mới được thi hành. Nay má tôi đã thay ghế ba, muốn làm việc gì thì cứ làm như sửa sang và tân trang phòng óc. Ngoài chăm sóc gia đình và con cháu ngày xưa ra, thú vui duy nhất của má tôi là lên chùa lạy Phật. Có lúc má phải thức từ khuya để cùng các bà bạn đi chùa những nơi xa xôi. Ba tôi không vui và bằng lòng cho má đi xa như vậy vì sợ má mệt. Thế nên đôi lúc bà không nói trước cho tới trước khi đi nhấn lại tin cho ba tôi. Khi về nhà bị ba cằn nhằn nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Từ ngày ba mất má có thể đi chùa thoải mái, nhưng lại không thể đi nhiều được nữa. Đã mấy lần má tôi bị té ngoài đường và có lúc bị thương nặng vì đôi chân nay đã yếu lắm rồi. Mỗi lần hay tin tôi đau như thắt vì không thể ở bên cạnh má trong tuổi già sức yếu. Tôi như con chim lạc bầy và lúc nào cũng muốn bay về tổ ấm. Khổ nổi tôi nay cũng là má là ngoại. Mỗi lần tôi về thăm quê hương mà không có con cháu, niềm vui lại không được trọn vẹn! Trên đời này có mấy khi được hoàn hảo đâu? Tôi tự an ủi chính mình rằng tôi vẫn còn nhiều hạnh phúc hơn nhiều người vì tôi vẫn còn có Má để được về ôm và nấu cho bà vài món cơm chay.
***
Chiều 28 tháng 10 vừa qua tôi tay bế tay ôm nào là thức ăn và nào là bình Hoa Lan đến thăm Mom. Bà không may bị té nặng, đầu đập mạnh vào tường và bị phung máu quá nhiều. Khuya hôm đó bà gọi người con gái cả đến đưa bà đi cấp cưú. Họ có chụp quang tuyến cho bà và may đến chín mũi staples vào đầu. Sau năm giờ trong bệnh viện, họ cho bà xuất viện sáng sớm hôm sau. Trưa hôm đó sau khi đi dự lễ ra, hai vợ chồng đang dùng cơm trưa thì nhận được lời nhấn về sự kiện sảy ra cho Mom. Chồng tôi hoảng hốt và muốn đến nhà chị cả thăm Mom, nhưng lúc bấy giờ bà đang ngủ nên chị cả bảo đừng đến.
Chiều hôm đó tôi đề nghị đến thăm Mom và mang súp Hoành Thánh cho Mom ăn vì tôi biết nhiều lần hỏi Mom thích ăn món gì thì bà luôn muốn ăn món này. Khi đến nhà chị cả, Mom đang nằm trên chiếc ghế dài trong phòng khách. Mom vui lắm khi thấy tôi. Tôi ôm Mom và đưa cho bà chậu Hoa Lan. Mới ngày hôm trước tôi gặp Mom đây mà hôm nay đã thấy bà xuống sắc hẳn ra.
Mỗi sáng thứ Bảy đúng tám giờ sáng chồng tôi gọi cho Mom để mời Mom ăn sáng. Sau khi hai vợ chồng dự lễ chủ Nhật ra, chúng tôi đến đưa Mom đi ăn bất cứ món nào bà thích. Sáng hôm trước bà còn vui vẻ nắm tay cháu của tôi trên đường đi đến nhà hàng sau khi đậu xe.
Chỉ còn hơn một tháng nữa Mom sẽ có cái sinh nhật 85 rồi vậy mà Mom vẫn thích ở riêng một mình trong khu chung cư dành riêng cho những người cao niên nhưng phải tự chăm sóc cho chính mình. Mom nói bà sẽ ở đó cho đến khi nào bà không thể tự lo cho mình được. Lúc khỏe, Mom luôn giúp đỡ những người già nhưng có người còn trẻ hơn Mom nữa. Đôi lúc Mom giặt đồ dùm họ và mang thư từ đến cho họ. Mỗi ngày Mom đều chơi puzzles, lắp ráp các miếng hình lại. Ngoài ra Mom là một trong những người thường tổ chức sinh nhật, hay lễ hội trong chung cư của bà ở. Nhờ ngày nào bà cũng dùng trí óc và hoạt động chân tay nên đầu óc của bà rất còn minh mẫn. Mấy năm về trước tôi thật phục bà có thể leo lên và xuống cầu thang còn giỏi hơn tôi. Chẳng những vậy Mom còn có sở thích nhảy đầm. Lúc nào tôi cũng thấy Mom vui tươi yêu đời cho tới năm vừa qua khi bà tròn 84 tuổi, sức khoẻ của bà sa xúc thấy rõ. Trong một năm nay Mom bị té mấy lần. Có lần Mom phải ở trọ nhà của các cô con gái cả mấy tháng. Mom nói không ngủ ngon được vì bà không quen chỗ lạ. Mom còn tâm sự với tôi rằng trong đời bà chưa một lần ngồi ghế xe lăng ngoài mấy lần sinh con và phải ngồi xe trong chốc lát lúc xuất viện. Bà nói lúc gần đây khi con cháu đẩy bà ngôì trên xe lăng sau khi bị té làm cho bà cảm thấy rất khó chịu vì bất lực.
Không biết đến bao giờ Mom còn có thể sống tự do một mình như ý của bà. Rồi sẽ một ngày nào đó, Mom bắt buộc một là phải ở chung với con cháu và hai là phải vào viện dưỡng lão. Chắc đến lúc đó Mom sẽ cảm thấy buồn lắm nhưng làm sau tránh khỏi cái sanh lão bệnh tử?
Tôi thèm cái tình cảm mẹ con đã ngoài ba thập niên nay, cho đến bây giờ tôi mới cảm nhận được cái hạnh phúc đó khi có Mom trong đời. Hàng tuần được gặp Mom, được cùng Mom dùng cơm trưa tôi cảm thấy rất vui và thoả mãn lắm rôì.
Tháng Tạ Ơn này tôi xin được cảm tạ ơn trên cho tôi có hai người mẹ hiền vẫn còn hiện hữu trên thế gian này! Tôi cầu mong sao Ông Trời thương mà gia hộ cho hai bà mẹ của tôi được bình an và sống lâu trăm tuổi để cho tôi luôn được cảm thấy hạnh phúc vì còn mẹ.
Như Ý Crystal H. Vo
Tháng 11, 2018